[Trên tay + Review nhanh] Bo mạch chủ Gigabyte Z390 Gaming X – rẻ mà vẫn chất

0
153425 Lượt xem

Chào các bạn, nhân cái đại tiện mainboard cũ của mình (Asus ROG Strix B360-F) bị hỏng, mình tiện tay đổi mainboard mới luôn còn về làm việc (mainboard cũ đổi bảo hành thì bán sau). Lại tốn một mớ tiền T^T

Sau khi cân đo đong đếm dòng B365, không thấy con nào vừa ý (Ưu tiên của mình là đẹp và nhiều cổng, dĩ nhiên vẫn phải bền, và chắc chắn mình chỉ dùng ATX), mình đành bấm bụng ngó lên Z390. Và sau nhiều hồi đắn đo, mình đã chọn được mainboard mới ưng ý – Gigabyte Z390 Gaming X. Chiếc mainboard này hội đủ các yếu tố mình cần trong một mức ra vô cùng dễ chịu, vậy nên mình rất vui khi được chia sẻ review nhanh của bản thân với mọi người!

Cùng soi kỹ em nó hơn nhé!

1 – Giá:

OK, đầu tiên vẫn là tiền đâu! Giá của Z390 Full ATX thường không rẻ, và lựa chọn quốc dân của mọi người thường là MSI Z390 A-Pro với mức giá chỉ 3,2 – 3,3 triệu đồng:

Dĩ nhiên, nó vẫn là mainboard với chipset Z390, đủ để cân Core i9. Tuy nhiên vẫn là câu “tiền nào của nấy”, mainboard này chỉ đủ xài và vấn đề lớn nhất của nó là không hỗ trợ xung nhịp đầy đủ cho Core i9. Còn nhiều hạn chế khác nữa mình sẽ nói kỹ sau.

Vậy chỉ cần thêm khoảng 500K (tức khoảng 3,7 – 3,8 triệu đồng) là bạn có thể sắm cho mình một mainboard Gigabyte Z390 Gaming X với nhiều ưu điểm vượt trội mà không mainboard nào dưới 4 triệu có được.

2 – Tổng quan:

GIGABYTE Z390 GAMING X là mẫu mainboard sử dụng socket 1151-v2 mới nhất của GIGABYTE, hỗ trợ các dòng CPU thế hệ 9 (và cả thứ 8 – Coffee Lake) của Intel, kết hợp với nhiều tính năng cao cấp của bộ chipset Z390, hướng tới những người sử dụng và game thủ ở phân khúc cao cấp.

Chi tiết về sản phẩm có thể tham khảo trên Website của Gigabyte tại đây
Mình sẽ không ghi lại làm gì cho nó rối mắt.

Ưu điểm của sản phẩm này là: chip Z390 cao cấp; thuộc dòng Ultra Durable – Siêu bền bỉ; có LED trên mainboard (không nhiều, nhưng vẫn đủ nổi bật) và nhiều điểm khác nữa.

3 – Mở hộp:

Hộp khá màu mè với đầy đủ các thông số của mainboard

Bên trong hộp bao gồm mainboard, dĩ nhiên rồi, thấy cục gạch là vỡ mồm

Cùng với giấy Hướng dẫn lắp đặt, sách HDSD, đĩa Driver (khá chắc kèo chả ai xài, lên web download cho đầy đủ bản mới nhất), 2 sợi cáp SATA (với mình là không đủ do xài nhiều ổ HDD, nhưng mà mình cũng có sẵn nhiều cáp rồi) và 2 cái vít và giá vít để lắp SSD M.2.

Nhân vật chính của chúng ta đây rồi:

Khá đẹp trai dù giá cho nó cũng là rẻ so với main Z390

Tản nhiệt, các MOSFET trông rất ra gì và này nọ

Chân cắm LED RGB 12V, các chân cắm COM, USB 3.0, AUDIO được in ở giữa chỗ cắm rất dễ nhìn, đây là một chi tiết nhỏ nhưng rất thông minh của NSX.

Các khe cắm RAM với 2 khe được bọc kim loại vô cùng chắc chắn. Những mainboard rẻ hơn, như Z390 A-Pro chẳng hạn, hoàn toàn không có chi tiết này. Việc được bọc kim loại giúp mình an tâm hơn hẳn khi cắm RAM, không lo gãy, nứt main hoặc RAM.

Phần I/O cũng chính là điểm mình thích trên chiếc mainboard này khi có sẵn I/O Shield (chặn main) chứ không phải lắp rời. Mình nghĩ các NSX nên làm như thế này với mọi mainboard để tránh việc bị thất lạc chặn main, việc lắp sẵn vào cũng không có gì khó khăn với các mainboard có phần tản nhiệt tương đối to nhưng mình mới thấy Asus làm điều này ở cả phân khúc giá rẻ (như main cũ của mình). Gần đây các NSX khác mới phổ cập chi tiết này hơn.

Số cổng của Z390 Gaming X phải nói là rất nhiều với tận 5 cổng USB 3.0, 2 cổng USB 2.0 và 1 cổng USB 3.1 gen 2. Đưa tổng số cổng USB Type-A ở mainboard lên tới con số 8 – nhiều nhất trong số các mainboard tầm tiền này (và thậm chí là nhiều hơn thế). Mình thuộc dạng cần cực nhiều cổng Type-A và mình ghét hub USB do độ ổn định không cao. Đơn giản vì mình có quá nhiều gear: bàn phím cơ cần 2 cổng, 2 con chuột – 2 cổng nữa, tai nghe 4.1 – tốn thêm 1 cổng, 1 cổng USB 3.0 nối vào màn hình, 2 cổng USB luôn cắm sẵn dây để lấy dữ liệu nhanh từ điện thoại, máy ảnh. Như vậy tổng cộng vừa đủ 8 cổng luôn. Số cổng dư dả như vậy khiến mình rất thoải mái khi không phải dùng thêm hub. Điều đáng buồn duy nhất là em này không có cổng USB-C thời thượng như B360-F khiến mình không dùng được cáp type-C to type-C nữa.

Về phần jack âm thanh, Z390 Gaming X có hỗ trợ dàn âm thanh 5.1 – 7.1, nhưng lại thiếu đi cổng quang. Dĩ nhiên mình không cần vì dàn Microlab cùi của mình cũng chả có cổng quang, nhưng nếu có sẵn trên mainboard thì tiện cho mình nếu sau này thích chơi dàn âm thanh xịn hơn.

4 – Tản nhiệt:

Như các bạn đã thấy, Z390 Gaming X có heatsink khá lớn và được thiết kế đẹp mắt. Thêm vào đó, mainboard cũng có tấm tản nhiệt cho SSD M.2, nhưng chỉ cho một khe chính thôi. Vậy cũng tốt, Z390 A Pro còn chả có tấm tản nhiệt SSD nào cơ mà.

Nhớ gỡ cái dán này ra trước rồi mới ốp vào trên SSD nhé

Cùng lắp SSD nào:

Tấm tản nhiệt của Z390 Gaming X không được đẹp lắm, mình thích cái tản nhiệt trên Asus B360-F cũ hơn.

5 – Lắp đặt:

Giờ để mình lắp lại máy đã, còn khoe luôn dàn PC chứ ;))

Lắp lên nhìn khá ổn. Mà đừng bác nào chê vụ dán keo nhé, mình gỡ từ main cũ ra chưa kịp lau để tra lại keo tản nhiệt.

Lắp full đồ vào thì chả thấy mainboard nữa đâu luôn =)) 

Bật thử. Ơn trời nó sống lại rồi <3

Bạn có thể thấy rõ đèn LED RGB ở chữ Gigabyte trên heatsink, 2 dải nhỏ nhỏ ở phần chip âm thanh. Ngoài ra còn có LED ở phần heatsink gần CPU nữa nhưng bị tản nhiệt của CPU che mất rồi. Như vậy là vừa đủ LED để làm nổi bật mainboard. Z390 A Pro làm gì có tí LED nào!

6 – Các công nghệ:

Rồi, giờ đến phần khoe các công nghệ có trên Z390 Gaming X

Bộ cấp nguồn

 

Gigabyte Z390 Gaming X sử dụng bộ điều khiển cấp nguồn điện tử, đem lại khả năng điều khiển dòng điện chính xác đồng thời với dàn cấp nguồn lên tới 10+2 “phase” được cấp nguồn bởi 1 đầu 8pin và 1 đầu 4pin, giúp duy trì sự ổn định của dòng điện cung cấp cho CPU. Tính năng này thật sự quan trọng đối với ai xài Core i9 mà chắc chắn sẽ ép xung. Việc ổn định dòng điện sẽ đảm bảo CPU không bị đột quỵ trong lúc đang chạy bon.

Khả năng ép xung RAM

Gigabyte Z390 Gaming X hỗ trợ 4 khe RAM tối đa 64GB và xung nhịp lên tới 4133MHz. Mainboard còn có khả năng hỗ trợ ép xung RAM lên tới 4266MHz, giúp người sử dụng tận dụng tối đa hiệu năng của các bộ xử lý cao cấp thế hệ 9 của Intel.

Hỗ trợ AMD Crossfire

Z390 Gaming X hỗ trợ AMD Crossfire, giúp kết hợp 2 GPU của AMD để tăng khả năng xử lý đồ họa.

Bộ xử lý mạng

Gigabyte Z390 Gaming X sử dụng cổng kết nối mạng với tốc độ lên tới 1Gb/s, đem lại kết nối ổn định với lượng băng thông lớn. Kết hợp với phần mềm cfOsSpeed giúp tối ưu đường truyền, hạn chế tối đa việc bị nghẽn, lag internet.

Âm thanh

Gigabyte Z390 Gaming X sử dụng bộ giải mã âm thanh ALC892 đi kèm với mạch xử lý âm thanh chất lượng cao và thiết kế tốt, đem lại chất lượng âm thanh tuyệt với cộng với bộ amplifier thông minh, có khả năng tự động điều chỉnh trở kháng phù hợp tùy theo loại tai nghe được kết nối.

Ultra Durable

Như đã nói ở trên, Z390 Gaming X là mẫu mainboard “flagship” trong dòng Ultra Durable của Gigabyte, nên nó được chau chuốt rất nhiều trong việc đảm bảo chất lượng linh kiện trên bo mạch. Với phần I/O shield được lắp sẵn ở phía sau của mainboard, đảm bảo sự tiện lợi trong khi lắp đặt cũng như bảo vệ các cổng kết nối trong quá trình vận chuyển.

Có một trong hai khe cắm PCIe trên Z390 Gaming X được gia cố thêm phần khung thép bên ngoài, tăng cường khả năng chịu lực đối với các dòng card màn hình có kích thước lớn.

Đồng tới các khe cắm RAM của Z390 Gaming X cũng được gia cố tương tự như các khe cắm PCI, giúp hạn chế hiện tượng cong chân RAM.

Không chỉ dừng lại ở đó, Z390 Gaming X còn có thêm cụm đèn thông báo cho người sử dụng biết khi các linh kiện như CPU, RAM, VGA hoặc HDD gặp phải sự cố nào đấy trong khi hoạt động giúp việc chẩn đoán lỗi trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn.

Z390 Gaming X còn có thêm một bộ lưu trữ BIOS dự phòng (Dual BIOS), đề phòng trường hợp BIOS bị hỏng vì một lý do ngoài ý muốn nào đấy trong quá trình sử dụng.

7 – Trải nghiệm thực tế:

Mình mới xài được mainboard Z390 Gaming X được khoảng một tuần nhưng nó thực sự làm mình hài lòng với số tiền bỏ ra.

Trong quá trình lắp đặt, mình rất an tâm vì các thành phần được bọc kim loại vô cùng chắc chắn, hạn chế tối đa rủi ro trong lúc DIY – tự lắp đặt máy.

Main Z giá rẻ như Z390 Gaming X mà cũng có nhiều chi tiết có LED RGB thật sự là điểm ăn tiền đối với mình.

Số lượng cổng USB cũng rất nhiều, khiến mình vô cùng thoải mái cắm các thiết bị mà không cần phải xài hub USB nữa.

Mình không xài CPU có thể ép xung (tiền đâu ra) nhưng mình sẽ mượn con CPU Core i9-9900K ở công ty để thử khả năng ép xung của Z390 Gaming X đến đâu.

Gigabyte hỗ trợ rất nhiều phần mềm cho mainboard, và mình đã cài cả đống này. Nó rất tiện dụng cho mình trong công việc hằng ngày lẫn lúc giải trí, chơi game.

Tóm lại, Z390 Gaming X thực sự là mainboard đáng giá nhất trong tầm giá 4 triệu đồng. Đừng ngần ngại bỏ ra thêm 500K để được tận hưởng sự bền bỉ và công nghệ nổi bật mà Z390 A Pro không có được!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here