Vào 23H ngày 18/03/2020 (theo giờ Việt Nam), Sony chính thức công bố thế hệ console tiếp theo của hãng – PlayStation 5. Sự kiện này diễn ra hơi “nhàm chán” một chút khi Sony tập trung thuyết giảng vào cấu hình của PS5 theo kiểu dành cho dân nghiền PC cấu hình khủng. Tuy nhiên, thực tế thì PS5 đúng là con quái thú về hiệu năng, hứa hẹn sẽ cân được rất nhiều game đồ họa cực khủng. Vậy PS5 mới ra mắt có những gì?
Hiệu năng cực khủng
Kiến trúc sư hệ thống của Sony, ông Mark Cerny, đã dành một thời gian dài để nói về SSD và so sánh tốc độ của PS5 với PS4 – và đó là điều chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ ở phần sau. Giờ đây, cái chúng ta cần quan tâm trước nhất là CPU và GPU của PS5.
Đầu tiên là về Turbo boost của PS5. Cách PS5 sẽ xử lý turbo boost so với Xbox Series X là một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa hai nền tảng đang sử dụng vi xử lý khá giống nhau.
Cách thức hoạt động của Xbox Series X là có thể chọn sử dụng CPU ở chế độ đơn luồng với 8 nhân và 8 luồng hoặc ở chế độ đa luồng với 16 luồng. Tốc độ xung nhịp thay đổi giữa hai chế độ là 3,8 GHz ở đơn luồng và 3,6 GHz ở đa luồng.
PS5 có cách hoạt động turbo boost khác biệt. Thay vào đó, CPU trong PS5 sẽ hoạt động giống như một bộ xử lý trên máy tính để bàn tiêu chuẩn: tăng tốc độ xung nhịp bất cứ khi nào nhiệt độ không quá cao và khối lượng công việc hiện tại đòi hỏi nó. Mặc dù vậy, nó có một nhược điểm – xung nhịp turbo boost tối đa cho CPU dựa trên AMD Zen 2 là 3,5 GHz, thấp hơn Xbox Series X ở chế độ siêu phân luồng.
GPU hoạt động theo cách tương tự, tăng tốc lên tới 2,23GHz khi có thể. Ông Cerny tuyên bố rằng PS5 sẽ chạy ở tốc độ clock này trong thời gian dài.
Sony vẫn chưa tiết lộ thiết kế hệ thống, vì vậy chúng ta không biết hãng chọn loại giải pháp làm mát nào, nếu hệ thống tản nhiệt kém hiệu quả, mọi công việc có thể hơi chậm và máy sẽ nóng.
Đồ họa thua Xbox Series X về số CU nhưng thực tế thì sao?
Cả PS5 và Xbox Series X sẽ sử dụng GPU dựa trên kiến trúc RDNA 2 của AMD, nhưng chúng chắc chắn không giống nhau. GPU PS5 sẽ sở hữu 36 đơn vị tính toán (CU), với xung nhịp tăng tối đa 2,23GHz. Xbox Series X, mặt khác sẽ có 52 đơn vị tính toán (CU), với tốc độ xung nhịp không đổi là 1,8GHz.
Bây giờ, trước hết hãy làm rõ Đơn vị tính toán thực sự là gì. Về cơ bản, chúng tương tự như nhân CPU, trong đó GPU sẽ có một loạt CU và chúng sẽ có thể hoạt động độc lập để hoàn thành khối lượng công việc. Tuy nhiên, trong mỗi Đơn vị tính toán này có rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó quan trọng nhất là Bộ xử lý luồng (Stream Processor), là một bộ xử lý thứ cấp khác.
GPU trong Xbox Series X có 3.328 Bộ xử lý luồng trên 52 đơn vị tính toán và do các GPU dựa trên cùng một kiến trúc RDNA, nên có thể giả định rằng mỗi đơn vị tính toán có cùng một lượng Bộ xử lý luồng. Vì vậy, 2.304 Bộ xử lý luồng trong GPU của PS5 là một sự khác biệt khá nổi bật. Ông Mark Cerny tin rằng tốc độ xung nhịp quan trọng hơn, nhưng trong nhiều thử nghiệm về card đồ họa trong nhiều năm qua, chưa bao giờ tốc độ xung nhịp tăng 20% có thể bù lại việc Bộ xử lý luồng ít hơn 31%.
Chúng ta rõ ràng không biết GPU sẽ hoạt động như thế nào trong các trò chơi vào thời điểm này, nhưng sự khác biệt về phần cứng này sẽ tạo sự khác biệt giữa PS5 khi chạy 4K 60fps hay 4K 30fps. May mắn thay, PS5 vẫn có ray tracking tương tự như đối thủ cạnh tranh từ Microsoft.
Hãy cùng chờ đến lúc chúng ta có trên tay cả 2 thiết bị console trên để xem thực tế chúng hoạt động ra sao. Có lẽ lúc đó chúng ta sẽ phải thay đổi quan điểm về Đơn vị tính toán và Bộ xử lý luồng trên các GPU.
SSD siêu nhanh – điểm nhấn của PS5
Như đã nói ở trên, kiến trúc sư hệ thống của Sony dành một phần lớn trong bài thuyết trình thông số kỹ thuật PS5 là về SSD. Ông Cerny đã nói khá rõ ràng việc ổ lưu trữ có tốc độ nhanh như chớp là nỗ lực lớn của Sony dành cho thế hệ console này. Không chỉ băng thông 5,5 GBps tuyệt vời khi load game, mà còn một thứ khác khiến SSD trên PS5 thật sự nhanh khủng khiếp. Những chip NAND SSD của PS5 cộng lại cho người dùng 825GB bộ nhớ trong. Tại sao lại là 825GB? Vì theo ông Cerny, con số này là tối ưu với nền tảng controller 12 kênh mà Sony tạo ra để điều khiển ổ cứng SSD của PS5. Thay vì sử dụng ổ M.2 gắn lên mainboard, cách làm này giúp Sony tự do hơn trong quá trình thiết kế máy chơi game.
Cụ thể, controller của SSD được hàn trực tiếp lên mainboard, kết nối với SoC theo chuẩn PCIe 4.0, sử dụng những phần cứng tự thiết kế để giảm tải tối đa tình trạng nghẽn cổ chai khi tải dữ liệu từ SSD vào RAM. Cùng với đó, thay vì sử dụng công cụ nén dữ liệu ZLIB, Sony chọn Kraken, với hiệu năng nén dữ liệu tối ưu hơn 10%. Con số 5.5 GBps băng thông quy đổi ra là 8 – 9GB dữ liệu game trong SSD được tải vào RAM và CPU mỗi giây. Như vậy, SSD PCIe 4.0 trong PS5 nhanh hơn 100 lần so với ổ đĩa HDD trên PS4. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ chờ load game chỉ trong vài giây chứ không phải vài phút như trước đây nữa.
Lấy Skyrim làm ví dụ chẳng hạn. Giả sử bạn đang đi lang thang, vui vẻ khám phá thế giới trước mặt và một hầm ngục nhỏ hoặc pháo đài xuất hiện khiến bạn muốn vào khám phá. Cách mọi thứ hoạt động hiện nay là: dữ liệu về thế giới sẽ được truy xuất từ bộ nhớ và sẽ cần thời gian để “nạp” vào RAM để xử lý. Tuy nhiên, với tốc độ ổ cứng đã nhanh gần như RAM, tác vụ này gần như diễn ra trong tích tắc.
Tất cả chỉ là trên lý thuyết, nhưng cuối cùng chúng ta có thể thấy một trò chơi thế giới mở chỉ cần tải khi bạn khởi động trò chơi lần đầu tiên. Điều thú vị nhất là cả hai máy chơi game đều có khả năng làm điều này và các PC chơi game có SSD tốc độ cao cũng có thể. Thế hệ trò chơi tiếp theo sẽ đẹp hơn, chắc chắn là như vậy, và chúng ta sẽ bắt đầu thấy các trò chơi thế giới mở trong tương lai sẽ khiến The Witcher 3 trở nên cực kỳ lỗi thời.
Tương thích ngược với PS4
Ông Cerny chỉ nói ngắn gọn về khả năng hỗ trợ tương thích ngược trên PS5, đơn giản là người dùng có thể tải game PS4 từ tài khoản PSN của mình về máy PS5, hoặc nhét đĩa PS4 vào ổ 4K UHD BluRay của PS5 là sẽ có thể chơi được game ngay lập tức.
PS5 vs Xbox Series X
Ngay giờ đây, về mặt lý thuyết, PS5 có vẻ thua kém Xbox Series X về phần cứng. Tuy nhiên, đó chỉ là thông số kỹ thuật, còn thực tế như thế nào thì chưa ai biết cụ thể được.
Một điều quan trọng hơn nữa là giá bán từng trò chơi. Hoàn toàn có khả năng Microsoft sẽ tính phí nhiều hơn cho game trên Xbox Series X so với Sony PS5. Và xem xét đến những điều kỳ diệu Sony đã tạo ra với các trò chơi “chính chủ” như “Horizon: Zero Dawn” và “Death Stranding”, việc thiếu sức mạnh về mặt thông số có thể không quá quan trọng.
Cả hai máy console thế hệ tiếp theo sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm 2020, đến lúc đó chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về chúng. Cuộc chiến console đang nóng dần lên và người dùng như chúng ta thực sự thấy phấn khích về điều đó.