Zephyrus G14 là chiếc laptop gaming được trang bị màn hình 14 inch, khác biệt so với các laptop gaming thường được trang bị màn 15,6 inch hoặc 17,3 inch. Bên trong nó được trang bị bộ xử lý tiến trình 7nm thế hệ mới AMD Renoir H đi cùng với GPU GeForce RTX 2060 Max-Q. Phiên bản của chúng tôi đưa ra đánh giá là Asus Zephyrus G14 GA 401IV có giá bán lẻ khoảng 1.900 USD (khoảng 45 triệu đồng). Ngoài ra, sẽ có một số lựa chọn khác như CPU Ryzen 7 4800 HS đi kèm GPU GTX 1660Ti với giá thấp nhất từ 1.049 USD cho tới 2.000 USD (25 đến 48 triệu đồng).
Vì dòng gaming thực sự 14 inch không có quá nhiều đối thủ cạnh tranh nên chúng tôi sẽ so sánh Zephyrus G14 với các máy tính xách tay chơi game siêu mỏng tầm trung và cao cấp như Razer Blade 15, MSI GS65, Aorus 15, Alienware m15 R2 và các máy tính xách tay Asus Zephyrus khác.
Chúng tôi mong rằng phiên bản 15,6 inch sẽ sớm được Asus cho ra mắt.
Thông tin phiên bản đánh giá:
- Tên sản phẩm: Asus Zephyrus G14 GA401IV
- Vi xử lý: AMD Ryzen 9 4900 HS
- Card đồ họa: NVIDIA GeForce RTX 2060 Max-Q
- RAM: 16GB – 1 thanh hàn chết + 8GB rời DDR4 3200
- Màn hình: 14 inch, 16:9, độ phân giải 1920 x 1080, mật độ 157 PPI, IPS, nhám 120 Hz.
- Lưu trữ: Intel SSD 660p 1TB SSDPENKNW010T8
- Cân nặng: 1,6kg
- Giá: 1.900 USD (~45 triệu đồng)
Thiết kế: Phiên bản nhỏ gọn của Zephyrus
Thiết kế Zephyrus G14 được thừa hưởng từ dòng Zephyrus với sự kết hợp bản lề ErgoLift của dòng ZenBook. Khung máy làm bằng nhôm kết hợp magiê, cảm giác mịn nhưng hơi nhám, chống lưu dấu vân tay rất tốt. Các lỗ ở nắp ngoài có thể chiếu sáng bởi 1215 đèn Micro LED trắng riêng biệt và có thể tùy chỉnh theo ý. Mong rằng trong tương lai Asus sẽ trang bị thành LED RGB để thu hút game thủ hơn.
Về độ cứng, chiếc G14 này đem lại sự chắc chắn hơn một số dòng Zephyrus khác như GX501, không bị cong hay kêu cót két khi cố gắng uốn cong các góc. Trung tâm bàn phím chỉ hơi bị lún một chút, có thể chấp nhận được và bản lề chắc chắn mà không phát ra tiếng kêu. Phần nắp ngoài màn hình không được tốt như vậy, dễ dàng uốn cong so với các sản phẩm khác như XPS 13, MateBook X Pro, MacBook Pro 13 hoặc Razer Blade Stealth. Tình trạng này cũng dễ gặp trên các laptop như MSI GS65, Lenovo Legion Y470.
Zephyrus G14 có kích thước nhỏ và trọng lượng nhẹ, tuy lớn hơn MSI Prestige 14 nhưng đem lại hiệu năng cao hơn nhiều. Laptop MSI GS65, một trong những laptop gaming 15.6 inch nhẹ nhất hiện nay vẫn nặng hơn khoảng 400g so với sản phẩm của Asus dù cả 2 đều có độ dày như nhau.
Với bản thử nghiệm của chúng tôi sẽ không có các Micro-LED bên ngoài nên sẽ mỏng hơn 0,2 cm so với bản có thêm.
Cổng kết nối: Có thể sạc bằng cổng USB-C
Các cổng kết nối bao gồm: 2 cổng USB Type-A, 2 cổng USB Type-C, HDMI 2.0B, khóa Kensington, jack 3.5, cổng chuyển AC.
Bên phải: USB Type-C Gen. 2 3.2, 2x USB 3.2 Gen. 1 Type-A, khóa Kensington
Bên trái: cổng sạc AC, HDMI 2.0b, USB Type-C Gen. 2 3.2 (hỗ trợ DisplayPort 1.4 và Power Delivery), jack 3.5 mm combo.
Người dùng muốn có cổng RJ-45, thunderbolt 3 hay đầu đọc thẻ SD sẽ phải đi tìm kiếm sự lựa chọn laptop khác vì nó không xuất hiện trên chiếc G14 này.
Bàn phím và bàn di chuột: tốt hơn so với nhiều Ultrabook
Kiểu dáng bàn phím trên chiếc G14 này phù hợp với những chiếc Zephyrus có kích cỡ lớn hơn so với một chiếc laptop gaming 14 inch. Các phím mũi tên định hướng trông nhỏ hơn và 4 phím chức năng được bố trí riêng biệt ở phía trên bên trái.
Hành trình phím và phản hồi đem lại cảm giác ấn sâu và mạnh hơn thường, tương đồng với bàn phím trên dòng ZenBook S mỏng. Tuy nhiên, tiếng kêu từ các phím Space, Enter và Backspace lớn hơn các phím khác so với các dòng XPS 13 hoặc ThinkPad T hoặc X.
Một điểm trừ khác liên quan đến độ tương phản giữa phần màu sắc của phím cũng như phông chữ với màu xám. Tương tự như HP Spectre màu trắng, phông chữ khó nhìn và sẽ càng thêm tồi tệ hơn khi bạn bật đèn nền. Việc lựa chọn màu đen cho Zephyrus G14 sẽ khắc phục được vấn đề này.
Bàn di chuột có kích thước 10,5 x 6 cm, nhỏ hơn một chút so với phiên bản 15,6 inch (10,5 x 7,5 cm) nhưng lại có kích thước gần giống với bàn di của ZenBook 14 (10,5 x 6,2 cm). Cảm giác sử dụng mượt mà, không bị dính ngay cả khi di chuyển ở tốc độ chậm, kết hợp với màn 120Hz đem lại cảm giác sử dụng con trỏ mượt mà hơn. Tuy vậy, click chuột quá mềm và nông khi phản hồi không đem lại cảm giác tốt khi ấn, điều đó làm cho thao tác kéo thả trở nên khó khăn hơn.
Màn hình: 120 Hz cùng công nghệ FreeSync
Zephyrus G14 sử dụng màn hình matte (mờ), kích thước 14 inch, độ phân giải Full HD, IPS, độ sáng trung bình 302,3 cd/m2 cùng tỷ lệ tương phản 1239:1 sẽ đáp ứng đầy đủ yêu cầu cơ bản.
Với tần số quét 120Hz cùng công nghệ FreeSync chống xé hình ảnh, khai thác được tối đa sức mạnh của GPU giúp đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Độ bao phủ màu đạt 60% AdobeRGB và 92% sRGB phù hợp và tương xứng với hầu hết mọi laptop Zephyrus hiện có. Tuy nhiên, nếu bạn là một người thiên về đồ họa chuyên nghiệp, muốn hiển thị màu sắc sâu và chính xác hơn, Asus ZenBook Pro hoặc ProArt sẽ là lựa chọn thích hợp hơn.
Khả năng hiển thị ngoài trời của Zephyrus G14 kém hơn so với hầu hết các Ultrabook cao cấp khác như XPS 13, MacBook Pro hay Samsung NP900, chúng đều có màn hình sáng hơn. Nhưng đây là điều bình thường trên các dòng Zephyrus khác. Bạn cũng cần phải chú ý tắt AMD Vari-Bright khi sử dụng ngoài trời, nếu không, độ sáng sẽ bị giảm từ 322 nits còn 192 nits.
Hiệu năng: CPU mạnh hơn nhiều so với phần lớn các laptop gaming 17.3 inch
Được trang bị CPU AMD Ryzen 9 4900HS 8 nhân cùng GPU GeForce RTX 2060 Max-Q ở phiên bản 14 inch, một mức hiệu năng cực kỳ khủng khiếp sẽ cần đến một giải pháp làm mát cực kỳ hiệu quả trên chiếc laptop này.
RAM 8GB có sẵn, hàn chết với bo mạch cùng một khe mở rộng, hỗ trợ nâng cấp tối đa 24GB. Tương tự như các laptop Zephyrus khác kể cả trên Zephyrus M hay G.
Bộ xử lý
Asus Zephyrus G14 mà chúng tôi thử nghiệm được trang bị Ryzen 9 4900HS 8 nhân, xung cơ bản 3,0GHz, turbo 4,3GHz, mức TDP là 35W. Thử nghiệm khi chạy CineBench R15 Multi-Thread trong một vòng lặp, điểm số ban đầu đạt được là 1.850 điểm, sau đó giảm xuống và ổn định ở 1.630 điểm – giảm hiệu suất 12%. So sánh với Core i9 trong XPS 15 và MSI GE75 9SG sẽ giảm khoảng 18% và 8% với thử nghiệm tương tự.
Hiệu năng đa luồng trung bình nhanh hơn khi so sánh với Core i9-9880H. Điểm CineBench nhanh hơn 15% đến 45% tùy vào máy tính trang bị i9-9880H. Chỉ có Alienware m15 R2 với i9-9980HK được ‘mở khóa’ mới có thể đến gần với kết quả của Ryzen 9 4900HS với điều kiện hoạt động ở cường độ cao: quạt kêu to và nhiệt độ cao. Điều này cho thấy sự bền vững cùng với lợi thế hiệu quả của tiến trình Ryzen 7nm trở nên rõ ràng hơn.
Dưới đây là bảng kết quả:
Hiệu năng hệ thống
Với sức mạnh như đã nêu, Asus Zephyrus G14 đủ sức mạnh để đáp ứng nhu cầu chơi các game nặng cũng như các tác vụ đồ họa chuyên nghiệp. Dưới đây là hình ảnh kết quả thử nghiệm:
Lưu trữ
Chỉ được trang bị 1 khe SSD M.2, thử nghiệm của chúng tôi sử dụng SSD Intel 660p mà Asus sử dụng trên dòng máy Zephyrus M. Tốc độ truyền nhanh hơn nhiều so với SK Hynix BC501 trong khi xếp sau Samsung PM981 được trang bị hầu hết trên Razer Blade. Bạn vẫn nên đầu tư một chiếc SSD xịn xò hơn để có thể có trải nghiệm tốt nhất.
Card đồ họa
Được trang bị GeForce RTX 2060 Max-Q, thỏa mãn niềm mong chờ bấy lâu nay của các game thủ. Hiệu năng cơ bản thấp hơn từ 10 đến 15% so với bản thường, hiệu suất nhanh hơn khoảng 5 đến 10% so với GTX 1660Ti hoặc chậm hơn 20 đến 25% so với RTX 2060 trên PC.
Kết quả so sánh với một số card đồ họa khác như sau:
Hiệu năng chơi game
Công nghệ FreeSync giúp khai thác tối đa hiệu năng hoạt động của RTX 2060 Max-Q. Kết quả 3DMark dưới đây cho thấy hiệu suất trong game với các thiết lập đồ họa High hoặc Ultra cũng không làm khó Zephyrus G14. Tuy vậy, với cài đặt thấp hơn, tốc độ khung hình hơi chậm mặc dù không tệ như trên Zephyrus G GA502 thế hệ trước với Ryzen 7 3750H.
Hiện tượng bóng mờ (Ghost) dễ thấy vì độ phản hồi trắng đen ~ 20ms. Sẽ không là vấn đề gì với các tựa game như Liên minh Huyền thoại hay Shadow of the Tomb Raider, ngoại trừ các game có tiết tấu nhanh như CS:GO, Overwatch hay Rocket League.
Dưới đây là hình ảnh kết quả của bài thử nghiệm:
Nhiệt độ và độ ồn: Quá cao
Điểm yếu trên chiếc máy này là độ ồn. Ngay cả khi hoạt động ở chế độ im lặng, độ ồn vẫn ở mức 30,4 dB tới 33,7 dB. Đặt ở chế độ Turbo, độ ồn quạt có thể lên tới 40,4 dB. Thật tệ khi ngay cả với mức cấu hình thấp thì chiếc laptop này vẫn khá ồn ào.
Cài đặt ở chế độ cân bằng và chạy 3DMark 6 trong khoảng 90 giây, tiếng ồn của quạt có lúc lên đến gần 50dB.
Với tựa game Witcher 3, thiết lập chế độ hiệu Performance, độ ồn sẽ ở mức 50,5 dB. Với chế độ Turbo sẽ tạo ra tiếng ồn lên đến 53,5 dB, cao hơn nhiều so với những mẫu laptop khác như Blade 15, GS65 và Alienware m15 R2.
Nhiệt độ bề mặt tương đối ấm, ngay cả khi không sử dụng bất kỳ tác vụ nào, điều này là bình thường với laptop Zephyrus. Khi chơi game, nhiệt độ sẽ vào khoảng 40 độ cho đến 47 độ giống như Razer Blade 15. Phần kê tay cũng chịu sự nóng lên bởi nhiệt nhưng không đến mức gây ảnh hướng khi chơi game.
Hệ thống tản tối đa hóa luồng không khí ở các góc của bàn phím với nhiệt thoát ra theo bốn hướng khác nhau. Điều này sẽ tốt hơn so với chỉ hai hoặc ba hướng trên laptop 15,6 inch và là điều cần thiết trên một hệ thống 14 inch. Tuy vậy, việc có khe tản phả nhiệt thẳng vào màn hình là một điều khá khó chịu vì phần nào đó sẽ tác động xấu lên màn hình.
Loa: Âm thanh sống động với loa Tweeters
Sử dụng loa chính 2,5W với loa tweeter 0,7W kép giúp cải thiện âm treble. Tuy nhiên, thực tế vẫn không được tốt như những gì như trên Zephyrus M GU502 (85,5 dB so với 75 dB) và chất lượng âm thanh vẫn không có gì đặc sắc.
Âm thanh tốt đối với một chiếc laptop 14 inch nhưng có lẽ một loa siêu trầm sẽ tạo ra sự khác biệt lớn hơn khi nghe nhạc hay chơi game hơn thay vì loa tweeter.
Khi mở âm lượng tối đa không gây ra hiện tượng rung phần kê tay.
Điện năng tiêu thụ: Cao ngay cả khi không sử dụng
Cả khi bạn không sử dụng, chiếc laptop sẽ tiêu thụ từ 30W đến 37W, cao hơn so với dự đoán của chúng tôi. Thậm chí, với chế độ tiết kiệm điện cùng thiết lập độ sáng thấp nhất, mức tiêu thụ trung bình sẽ là 30,8W so với chỉ 17,6W hoặc 11,2W tương ứng trên Zephyrus M và Dell G7 17 7590. Tuy vậy, khi chơi game, điện năng tiêu thụ sẽ từ 92W đến 113W, ít hơn so với 111W đến 149W trên Zephyrus M với CPU Intel Core i7-9750H và GPU GTX 1660Ti.
Pin: Có thể tốt hơn nữa
Với thử nghiệm sử dụng mạng WLAN cho kết quả trung bình dưới 4 giờ sử dụng, kết quả này cho thấy thời lượng pin trên chiếc Zephyrus G14 vẫn còn kém so với toàn bộ dòng Zephyrus. Các đối thủ cạnh tranh như Blade 15 và Alienware m15 đều có thời lượng pin nhiều hơn một hoặc hai giờ khi ở điều kiện kết nối WLAN tương tự.
Thời gian sạc từ mức trống đến đầy chậm hơn khoảng 1,5 đến 2,5 giờ so với các dòng máy gaming khác. Sạc bằng cổng USB-Type C trong khi chơi game sẽ không phải là một ý hay vì tốc độ sạc sẽ không nhanh bằng việc sạc bằng bộ sạc AC chuyên dụng. Nó sẽ hợp lý hơn nếu bạn di chuyển nhiều cùng chiếc G14 nhưng tạm thời không có nhu cầu chơi game.
KẾT LUẬN
Ryzen 9 4900HS 7nm đã thực sự vượt mặt Core i9-9880H 14nm về khả năng xử lý đa luồng trong khi ngang bằng với khả năng đem lại của Core i9-9980HK (có lúc còn hơn). Đây là bước nhảy vọt đáng kể về hiệu năng đến từ AMD, từng bước trên con đường chiếm lại thị phần mảng laptop.
Với chiếc G14, khả năng đáp ứng mọi nhu cầu với sức mạnh đến từ CPU VÀ GPU, RAM và SSD có thể nâng cấp, màn hình FreeSync 120Hz, đèn chiếu sáng nắp ngoài Micro-LED tùy biến và sạc USB Type-C mà Asus trang bị trên chiếc laptop 14 inch này làm nó trở nên rất độc đáo.
Tuy vậy, pin của chiếc máy này chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu người dùng. Cùng với đó là vấn đề liên quan đến độ ồn của máy cùng phần nắp máy chưa thực sự cứng cáp, dễ bị uốn cong làm cho chiếc máy này có vẻ kém hấp dẫn hơn so với một số đối thủ như Razer Blade Stealth 13,3 inch hoặc MSI Prestige 14 inch. Tuy vậy, hai lựa chọn thay thế trên sẽ thua kém nhiều về mặt cấu hình so với chiếc Zephyrus G14 này nhiều.