Chỉ mới một năm kể từ khi Lenovo gia nhập thị trường máy tính xách tay đa phương tiện cao cấp, với ThinkPad X1 Extreme cạnh tranh với Dell XPS 15, HP Spectre x360 15 và Apple MacBook Pro 15. Nỗ lực đầu tiên của công ty đã thuyết phục người dùng về những đặc điểm nổi bật vốn có của ThinkPad, với nhiều tính năng bảo mật làm cho thiết bị trở nên thú vị đối với người dùng và đặc biệt là các chuyên gia. Năm nay, Lenovo đã phát hành thế hệ thứ hai, với cấu hình cập nhật mới nhất và các tùy chọn hiển thị mới.
Thông tin phiên bản đánh giá
- Tên sản phẩm: Lenovo ThinkPad X1 Extreme 2019 (ThinkPad X1 Extreme 2019 Series)
- Vi xử lý: Intel Core i7-9750H (Intel Core i7)
- Đồ họa: NVIDIA GeForce GTX 1650 Max-Q – 4GB, GDDR5
- RAM: 16GB DDR4-2666Mhz, hỗ trợ tối đa 64GB
- Màn hình: 15.6 inch tỉ lệ 16:9, 3840 x 2160, mật độ 282 PPI, IPS LCD.
- Lưu trữ: Samsung SSD PM981 MZVLB512HAJQ, 512GB, khả dụng 438GB
- Trọng lượng: 1.711 kg
- Giá: 2649 Euro (~75 triệu đồng)
Thiết kế – Vỏ case hoàn thiện dạng sợi carbon
Như đã đề cập, ThinkPad X1 Extreme 2019 không có gì thay đổi về mặt thiết kế so với phiên bản trước đó. Lenovo hiện phân biệt các máy có màn hình 4K bằng cách cung cấp cho nắp màn hình (mặt A) của chúng một lớp hoàn thiện khác biệt. Như với ThinkPad X1 Carbon, nắp màn hình có lớp vỏ bằng sợi carbon. Lớp này tương tự như phần kê tay trên Dell XPS 15. Các góc của nắp máy cho thấy lớp hoàn thiện này chỉ là một nhãn dán hoặc in lên mà thôi. Thiết kế đẹp hay xấu chắc chắn là mỗi người mỗi khẩu vị, nhưng được cái lớp hoàn thiện này giúp máy đỡ bị lưu lại dấu vân tay.
Với cân nặng chỉ 1,7kg, ThinkPad X1 Extreme 2019 nhẹ hơn so với Lenovo Yoga C940, Apple MacBook Pro 16 (bản Core i9) và cả Dell XPS 15 7590, đều nặng 2kg.
Các cổng kết nối – đủ món ăn chơi
Là một thiết bị laptop multimedia, ThinkPad X1 Extreme 2019 được trang bị mọi cổng kết nối, bao gồm:
Ở cạnh trái: Cổng sạc, 2 cổng Thunderbolt 3 (USB 3.1 Gen 2 Type-C), HDMI 2.0, cổng mini-Ethernet, jack âm thanh 3.5mm
Ở cạnh phải: đầu đọc Smartcard, đầu đọc thẻ SD, 2 cổng USB 3.1 Gen 1 Type-A, khóa Kensington.
Như vậy, thiết bị cho người dùng đầy đủ các kết nối cần thiết, và đặc biệt là có 2 cổng Thunderbolt 3 chuẩn USB-C, giúp máy có thể mở rộng kết nối và nâng cao hiệu suất với dock VGA gắn ngoài.
Bàn phím – Tốt nhưng còn lỗi nhỏ
Về cơ bản, không có gì thay đổi với bàn phím trên ThinkPad X1 Extreme Gen 2, nhưng xuất hiện một số báo cáo về việc bàn phím không nhạy đang nhiều lên. Mặc dù tình trạng “miss” gõ phím là rất ít, nhưng nó thực sự có xảy ra. Không rõ nguyên nhân do đâu nhưng đối với một số người, việc thay thế bàn phím đã giúp khắc phục tình trạng này. Nếu bạn gặp vấn đề tương tự với thiết bị của mình, thì chúng tôi khuyên bạn nên liên hệ với Dịch vụ của Lenovo. Tuy nhiên, nếu bàn phím hoạt động bình thường, thì X1 Extreme Gen 2 mang đến một trong những trải nghiệm gõ tốt nhất trên máy tính xách tay, tương tự như nhiều chiếc ThinkPad cao cấp khác.
Hiển thị – ThinkPad với màn hình 4K dạng matte
Lenovo cung cấp nhiều tùy chọn hiển thị hơn với X1 Extreme Gen 2 so với người tiền nhiệm. Ngoài hai tùy chọn màn hình FullHD matte, hãng cho người dùng thêm tùy chọn màn hình 4K. Một là tấm nền IPS dạng matte, còn chiếc kia là tấm nền OLED có bề mặt bóng (glossy). Thiết bị thử nghiệm sở hữu màn hình 4K IPS LCD, rất sáng và cũng được quảng cáo có độ bao phủ 100% gam màu AdobeRGB.
Chủ quan mà nói, X1 Extreme Gen 2 cung cấp chất lượng hình ảnh khá, nhưng có một chút màu đỏ làm cho nội dung trông khá ấm áp. Ngoài ra, nó không đạt được độ sáng như quảng cáo là 500 nits. Thực tế, độ sáng tối đa ở mức 470 cd/m2 nhưng chỉ trong một khu vực của màn hình, với mức trung bình giảm xuống dưới 450 cd/m2. Mặc dù vậy, đây vẫn là một cải tiến so với X1 Extreme cũ. Tuy nhiên, màn hình hiển thị này thể hiện màu đen tốt hơn so với thế hệ tiền nhiệm, mang lại tỷ lệ tương phản thấp hơn. Hơn nữa, việc hoàn thiện dạng matte (mờ) làm cho nội dung trông kém sắc nét hơn so với một số đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi cũng thấy rằng hình ảnh trông hơi nổi hạt trên bề mặt ánh sáng. Mặc dù vậy, màn hình này cũng rất tốt với việc PWM (pulse-width modulation) gần như không xảy ra và rất ít bị hở sáng ở các góc màn hình..
Chỉnh sửa ảnh không phải là vấn đề sau khi hiệu chỉnh màn hình, kể cả khi bạn đang sử dụng không gian màu AdobeRGB. Như thường lệ, Lenovo không cung cấp bất kỳ cấu hình nào cho các không gian màu bổ sung như sRGB. Mặc dù công ty quảng cáo rằng màn hình này đạt 100% AdobeRGB, nhưng cả phần mềm CalMAN và Argyll đều không thể xác nhận điều này. Chúng chỉ cho ra kết quả khá kém ấn tượng là 85.2% (Argyll) và 97.6% (CalMAN).
Hiệu năng – X1 Extreme Gen 2 không bộc lộ được hết tiềm năng
Bộ xử lý – Core i7-9750H hoạt động kém hơn so với người tiền nhiệm
Lenovo cung cấp nhiều bộ xử lý Intel khác nhau với 4, 6 hoặc tới 8 nhân. Trong thiết bị thử nghiệm, nó sử dụng vi xử lý Core i7-9750H, bộ xử lý Coffee Lake Refresh có 6 nhân. Tương tự với ThinkPad P1 2019, Thinkpad X1 Extreme Gen 2 tăng hiệu suất CPU một cách giả tạo. Sau một thời gian ngắn, bộ xử lý chỉ có thể tiêu thụ khoảng 30W ngay cả khi chỉ tải CPU đơn thuần. Trong thực tế, điều này có nghĩa là bộ xử lý chỉ có thể hoạt động ở mức 2.1 – 2.2 GHz trên tất cả các lõi trong các bài test benchmark như Cinebench R15 Multi 64Bit. Điều này thật đáng tiếc và có nghĩa là X1 Extreme Gen 2 hoạt động kém hơn người tiền nhiệm. Thiết bị này cũng làm giảm hiệu suất của nó khi hoạt động với pin (không cắm sạc). Dưới đây là bảng xếp hạng Cinebench R15 của X1 Extreme Gen 2 so với các đối thủ:
Hiệu năng hệ thống – X1 Extreme Gen 2 hoạt động tốt trong cuộc sống hàng ngày
Điều tương tự cũng áp dụng ngay cả trong các benchmark tổng hợp như PCMark, thiết bị được đánh giá xếp gần cuối bảng so sánh. Tuy nhiên, kết quả của nó không có nghĩa là xấu. Các vấn đề về hiệu suất này cũng không cho thấy bất kỳ hạn chế đáng chú ý nào trong cuộc sống hàng ngày, bởi vì SSD PCIe cực nhanh của nó giúp hệ thống phản ứng và thực hiện các tác vụ một cách nhanh chóng.
Bộ nhớ Samsung SSD PM981 MZVLB512HAJQ cho tốc độ thực sự ấn tượng khi cho tốc độ đọc 3471 MB/s, ghi 2969 MB/s. Tốc độ đọc/ghi 4K cũng vô cùng nhanh với 593/493 MB/s.
Card đồ họa – GeForce GTX 1650 Max-Q
Do các OEM không phải lúc nào cũng tiết lộ rằng họ đã trang bị cho GPU NVIDIA GeForce Max-Q, nên ban đầu chúng tôi không chắc chắn liệu Lenovo đã chọn GeForce GTX 1650 hay GeForce GTX 1650 Max-Q chậm hơn trong X1 Extreme Gen 2.
Nvidia hiện đã xác nhận rằng ThinkPad X1 Extreme Gen 2 được trang bị phiên bản Max-Q của GeForce GTX 1650. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ Lenovo. Điều này thực sự gây khó chịu với các khách hàng tiềm năng (vì nó mập mờ) và hãng cần nhanh chóng sửa đổi nó.
Nếu chúng ta so sánh kết quả với các thiết bị hỗ trợ GeForce GTX 1650 khác, GPU trong X1 Extreme chậm hơn khoảng 15%. Vậy nên, rất có thể nó là GeForce GTX 1650 Max-Q. Do đó, lợi thế so với GeForce GTX 1050 Ti trên thế hệ tiền nhiệm là khá nhỏ. GPU hoạt động ổn định ngay cả khi chịu tải lâu, bằng chứng là thử nghiệm stress test bằng 3DMark Time Spy, thiết bị đã vượt qua mà không gặp bất kỳ vấn đề nào ở mức 99,2%. Tuy nhiên, thiết bị cũng điều chỉnh hiệu năng GPU khi chạy bằng pin (không cắm sạc). Lúc đó, thiết bị chỉ ghi được 7.045 điểm trong Đồ họa Fire Strike, so với 7.741 điểm mà nó ghi được khi kết nối với nguồn điện. Nhìn chung, kết quả thực tế giống hệt với ThinkPad P1 2019 được trang bị đồ họa Quadro T1000.
Hiệu suất chơi game
Hiệu suất đồ họa của GeForce GTX 1650 Max-Q khá khả quan. Nó gánh được hầu hết các game AAA hiện nay, dù không phải ở thiết lập đồ họa cao nhât. Điểm sáng là nó vẫn duy trì được hiệu năng chơi game dù phải chạy trong thời gian dài.
Quạt tản nhiệt – X1 Extreme giờ đã có quạt ít ồn hơn
Giống như ThinkPad P1 2019, các quạt trong X1 Extreme Gen 2 êm hơn khi hoạt động so với những người tiền nhiệm. Nhìn chung, X1 Extreme Gen 2 là một máy tính xách tay tương đối yên tĩnh, các quạt của nó thường không hoạt động ngay cả khi tải nặng trong thời gian ngắn. X1 Extreme Gen 2 khá “âm thầm” trong cuộc sống thường ngày là ít khi phát ra âm thanh khó chịu trong văn phòng của chúng tôi. Nói tóm lại, X1 Extreme Gen 2 là một trong những thiết bị laptop yên tĩnh nhất trong phân khúc.
Nhiệt độ
Nhiệt độ của máy luôn khá ổn định, ngay cả khi so sánh với thế hệ tiền nhiệm. Không có vấn đề với các tác vụ nhẹ nhàng. Máy chỉ ấm nhẹ lên khi hoạt động nặng. Tuy nhiên bạn cũng không muốn đặt nó lên đùi lúc đấy đâu.
Tuy nhiên, thiết bị đã không thực hiện tốt trong bài kiểm tra stress test. Một lần nữa, CPU giảm xuống mức TDP 30W sau một thời gian ngắn, nó chỉ có thể duy trì tốc độ xung nhịp toàn lõi từ 1,9 đến 2,0GHz. Mặt khác, GPU thì luôn giữ ở khoảng 1.090 MHz, và nó không gặp vấn đề gì khi stress test.
Loa
Mặc dù không sở hữu bất kỳ công nghệ âm thanh nào như B&O, Harman Kardon, Dolby Atmos,v.v. nhưng loa của X1 Extreme Gen 2 thực sự không tệ. Nó có mức âm lượng khá lớn (73 dB) nhưng vẫn kém hơn Dell XPS 15 7590 và MacBook Pro 16 (trên 80dB). Ưu điểm là các dải âm thanh của loa khá rõ ràng, kể cả dải bass cũng khá chắc chứ không hề nhạt nhòa. Việc méo tiếng gần như không bao giờ xảy ra và bạn hoàn toàn có thể tự tin thưởng thức các video với thiết bị này.
Thời lượng pin – màn hình 4K cực ngốn
Thời lượng pin là gót chân Achilles của X1 Extreme Gen 2, nếu bạn chọn phiên bản màn hình matte 4K. Thậm chí tấm nền OLED còn sử dụng nhiều năng lượng hơn cả tấm nền IPS. Điều này dẫn đến thời lượng pin của nó kém hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả thế hệ tiền nhiệm (cùng dùng màn hình 4K)
Trong thử nghiệm Wi-Fi thông thường của chúng tôi, với setting màn hình thành 150 cd/m2, thiết bị thậm chí không thể đạt tới 5 giờ chạy liên tục trước khi cần sạc lại. Tệ hơn nữa, thời lượng pin giảm xuống chỉ còn hơn 4 giờ khi chúng tôi chạy lại bài test ở độ sáng tối đa. Nếu thời lượng pin là điều quan trọng, thì bạn nên chọn màn hình 1080p. Bài thử nghiệm ThinkPad P1 2019 với màn hình 1080p, nó đạt được thời gian chạy gần gấp đôi so với X1 Extreme Gen 2 màn hình 4K.
KẾT LUẬN – Lenovo đã làm cho X1 Extreme trở nên tồi tệ hơn
Đầu tiên, ThinkPad X1 Extreme Gen 2 có vẻ như là một máy tính xách tay đa phương tiện tuyệt vời. Kết hợp thiết kế của bản tiền nhiệm với nhiều tùy chọn hiển thị hơn và các thành phần nhanh hơn sẽ là một công thức để thành công. Tuy nhiên, trong thực tế, những thay đổi không phải lúc nào cũng được chứng minh là tích cực.
Bắt đầu với những điều tích cực, màn hình matte 4K cho chất lượng hình ảnh khá, mặc dù cần phải hiệu chỉnh. X1 Extreme Gen 2 cũng có bàn phím tốt bậc nhất trên thị trường, nếu bỏ qua vấn đề không nhạy xảy ra trên một số thiết bị.
Còn lại, là những vấn đề tiêu cực. Chúng tôi có cảm giác rằng Lenovo tuy nâng cấp cấu hình mới nhưng vẫn duy trì cùng một giải pháp làm mát. Kết quả là X1 Extreme Gen 2 có CPU chậm hơn so với người tiền nhiệm và chỉ có GPU nhanh hơn, nhưng chỉ hơn một chút. Một vấn đề đau đầu khác là mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ của thiết bị, do màn hình hiển thị 4K gây ra, khiến nó chỉ có thời gian chạy dưới 5 giờ.
Lenovo lẽ ra phải làm tốt hơn thế này, và nếu bạn vẫn thích ThinkPad X1 Extreme Gen 2, chúng ta khuyên bạn nên cân nhắc phiên bản màn hình FullHD 1080p hơn là màn hình 4K.